Chào mừng các bạn đã đến với Trang Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên
  10/07/2018     |  Lượt xem 3   

16 Di tích trong khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến

Theo dòng lịch sử, khu vực Phố Hiến xưa nằm trên vùng đất thành phố Hưng Yên ngày nay vào thế kỷ 16, 17 đã từng là lỵ sở của trấn Sơn Nam, là một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam với hoạt động giao thương nhộn nhịp. Khi đó, kinh thành Thăng Long có 36 phố phường thì Phố Hiến có hơn 20 phường thị, nức tiếng với câu ca "Thứ nhất Kinh Kỳ, Thứ nhì Phố Hiến". Nhiều thương nhân nước ngoài đã tới Phố Hiến kinh doanh, buôn bán và cư ngụ tại đây như: Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc… Cùng với hàng hóa, các thương nhân nước ngoài đã mang đến Phố Hiến những nét văn hóa riêng đặc trưng cho từng vùng miền, từng quốc gia. Phố Hiến trở thành điểm hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa. Trải qua nhiều biến cố của thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến không còn là một thương cảng, trung tâm thương nghiệp nhưng những dấu tích của một thời hưng thịnh vẫn còn rất đậm nét trong các công trình kiến trúc, những tập quán, nếp sống của cộng đồng dân cư.

Thành phố Hưng Yên hiện còn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có 01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh); gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị. Điều đặc biệt là các di tích phân bố ở khắp các phường, xã tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứng minh cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một "Tiểu Tràng An" xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2408/QĐ-TTg, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích Phố Hiến. Theo đó khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành: Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đền Kim Đằng (phường Lam Sơn); đền Trần, đến Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, chùa Phố, đền Bà Chúa Kho (phường Quang Trung), chùa Chuông, đình An Vũ, đền Nam Hòa (phường Hiến Nam); đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi), đình- chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội (phường Hồng Châu) và chùa Nễ Châu (xã Hồng Nam).  

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của khu di tích Phố Hiến xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh Hưng Yên và thành phố Hưng Yên tiếp tục huy động các nguồn vốn thực hiện dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến, gắn với phát triển du lịch theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch để phát triển du lịch gắn với di tích. Nâng cao chất lượng cán bộ chuyên môn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch... Ngày 28/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2156/QĐ-UBND thành lập Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (gọi tắt là Ban Quản lý khu di tích). Theo đó, Ban Quản lý khu di tích trực thuộc UBND thành phố Hưng Yên, là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng quản lý, khai thác, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến.

16 di tích trong khu di tích quốc gia đặc biệt phố hiến là những di tích tiêu biểu, là sự kết tinh và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, là điểm nhấn cho phát triển du lịch ở thành phố Hưng Yên.

1- VĂN MIẾU XÍCH ĐẰNG

Văn Miếu Hưng Yên tọa lạc tại khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên nên được gọi là Văn Miếu Xích Đằng. Đây là di tích tiêu biểu nhằm tôn vinh nền văn hiến và truyền thống hiếu học lâu đời của người dân Hưng Yên.

 Văn Miếu Xích Đằng là nơi tôn thờ Đức Thánh Khổng Tử (551 - 479 TCN) - người sáng lập ra Nho giáo và các chư hiền của Nho gia. Cùng phối thờ với Khổng Tử là thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) - nhà sư phạm tài năng, đức độ thời Trần. Vào thời Nguyễn, Văn Miếu còn là nơi tổ chức các kỳ thi Hương và sát hạch thí sinh đi dự kỳ thi Hội.

Văn Miếu Xích Đằng được khởi dựng từ thời Hậu Lê (Thế kỷ XVII) và được trùng tu, tôn tạo lớn vào năm Minh Mệnh thứ 20 (1839). Tương truyền, Văn Miếu được xây dựng trên nền ngôi chùa cổ Nguyệt Đường hay còn gọi chùa 36 nóc, do Hương Hải thiền sư khởi dựng năm 1701 dưới sự giúp đỡ của Quận Công Lê Đình Kiên - quan trấn thủ trấn Sơn Nam. Hiện nay, dấu tích còn sót lại của ngôi chùa cổ là hai ngôi mộ tháp “Phương Trượng tháp” và “Tịnh Mãn tháp”.

Hiện nay, Văn Miếu có tổng thể kiến trúc khá đồng bộ, vững chắc. Từ ngoài vào là Nghi môn đồ sộ được xây dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái. Nghi môn là công trình còn được giữ tương đối nguyên vẹn từ khi xây dựng đến nay và cũng là biểu tượng của tỉnh Hưng Yên. Qua cổng Nghi môn là khoảng sân rộng có đường thập đạo chạy qua. Đường thập đạo thể hiện ý nghĩa về “thập nghĩa” trong Nho giáo. Hai bên sân là lầu chuông, lầu khánh với kiến trúc bình đồ hình vuông. Chuông đồng và khánh đá là hai cổ vật quý có niên hiệu Gia Long tam niên (1804). Nối tiếp là hai dãy tả vu và hữu vu mỗi dãy 5 gian, xưa kia là nơi các quan viên để kiệu và sửa sang mũ áo trước khi vào lễ Khổng Tử. Ngày nay sử dụng trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu của nền giáo dục Hưng Yên qua các thời kỳ.

Tam quan Văn Miếu

Hệ thống bia đá tại Văn Miếu

Khu nội tự Văn Miếu được xây dựng kiểu chữ Tam gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Các tòa được làm liên hoàn kiểu trùng thiềm điệp ốc, tất cả đều 05 gian, kết cấu các bộ vì kiểu vì kèo trụ trốn, trang trí theo lối kiến trúc cung đình Huế triều Nguyễn. Tại gian trung tâm tòa Trung từ đặt tượng thờ thầy Chu Văn An. Trung tâm Hậu cung đặt tượng thờ Đức Thánh Khổng Tử, hai bên là ban thờ Tứ Phối.

Hiện vật quý giá nhất lưu giữ tại Văn Miếu là 9 tấm bia đá dựng dọc hai gian hồi tòa Trung từ và Hậu cung. Trong đó có 8 tấm bia được dựng năm Đồng Khánh thứ ba (1888) và tấm bia còn lại được dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của tỉnh Hưng Yên từ thời Trần đến thời Nguyễn (theo tổ chức hành chính năm 1888 - 1890). Các huyện có người đỗ đạt cao như Văn Giang, Ân Thi, Yên Mỹ… Trong đó có một số dòng họ khoa bảng tiêu biểu như họ Dương ở Lạc Đạo - Văn Lâm có 9 vị, họ Hoàng ở Thổ Hoàng - Ân Thi có 10 vị, họ Lê ở Liêu Xá - Yên Mỹ có 6 vị.

Xưa kia, vào mỗi dịp xuân thu nhị kỳ tại Văn Miếu đều tổ chức tế lễ, chủ tế là các quan đầu tỉnh cùng chức sắc, nho sinh. Nơi đây còn tổ chức các cuộc thi bình văn, thơ của nho sĩ yêu nước.

Hàng năm, vào các ngày mồng 4, mồng 5 tết Nguyên đán tại Văn Miếu sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa như: Triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương cùng tham gia hưởng ứng; đặc biệt là các em học sinh, sinh viên đến xin chữ để mong ước thuận lợi trong học hành và thi cử. Ngoài ra, nơi đây còn diễn ra một số hoạt động như trao thưởng cho học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học nhằm khích lệ cho các em học tập và rèn luyện về đạo đức góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong thời gian tới, tổng thể quy hoạch khuôn viên Văn Miếu với diện tích 6ha bao gồm các khu: Đền thờ Lạc Long Quân, dinh Hoàng Cao Khải, khu Văn Miếu, Đầm Vạc, Hồ Văn và khu văn hóa khuyến học… Khi quy hoạch tổng thể Văn Miếu sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi về với Phố Hiến Hưng Yên. Và Văn Miếu Xích Đằng chính là một biểu tượng về nền học vấn và truyền thống hiếu học của người dân nơi đây.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, năm 2014, Văn Miếu Xích Đằng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên.

 

2- ĐỀN MÂY

Đền Mây toạ lạc tại khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên trong một khung cảnh hữu tình, thơ mộng nên có câu ca: “Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh, đò Mây”.

Đền là nơi tôn thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, một vị tướng tài ba của nước ta trong thời kỳ đầu độc lập tự chủ. Ông sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910). Tương truyền, mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và Hổ trắng mà có mang nên sau khi sinh đã đặt tên là Bạch Hổ.

Ngay từ nhỏ, Phạm Bạch Hổ đã nổi tiếng ham học, có tư chất thông minh, tính tình nóng nảy, cương trực. Lớn lên, Bạch Hổ có thân hình vạm vỡ, mạnh mẽ, thông minh hơn người, văn võ song toàn. Ông từng làm Hào Trưởng đất Đằng Châu, là tướng tài của Dương Đình Nghệ. Ông có công phù giúp Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm Mậu Tuất (938). Khi Ngô Quyền xưng Vương, đặt quốc hiệu, đóng đô ở Cổ Loa, ông lui về vùng đất Đằng Châu, bảo vệ an ninh cho vùng xung yếu này. Đến thời Hậu Ngô Vương, phong ông làm Phòng Át, trấn giữ vùng biển Hải Đông. Phạm Bạch Hổ về Đằng Châu xây dựng lũy thành làm lỵ sở. Ngoài ra, ông còn giúp dân khai khẩn đất hoang, mở mang đồng đất, cấy trồng làm cho dân trong vùng được no ấm. Khi Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt nổi lên cát cứ từng vùng. Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu và là một trong 12 sứ quân thời đó.

Vào năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh giương cao ngọn cờ đại nghĩa, đánh dẹp các sứ quân. Phạm Bạch Hổ nhanh chóng nhận ra sức mạnh chính nghĩa đang lên của nghĩa quân Hoa Lư và cũng là sức mạnh của chính nghĩa thống nhất đất nước nên ông đã quy thuận. Phạm Bạch Hổ được Vua Đinh phong đến Thân Vệ Đại tướng quân và ông đã lập được nhiều công lao trong sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng. Phạm Bạch Hổ mất ngày 16 tháng 11 năm 983, ông được vua Lê phong là Đằng Vương, sắc cho dân lập đền thờ ở quân doanh và suy tôn ông làm Thành hoàng. Đền xây dựng xong, Vua Lê phong tặng ông là “Khai thiên hộ quốc thượng đẳng tối linh thần”.

 Theo truyền ngôn của người dân nơi đây, đền Mây được khởi dựng từ rất sớm với quy mô lớn. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo dấu ấn kiến trúc hiện nay của ngôi đền mang đậm phong cách thời Hậu Lê đan xen phong cách kiến trúc Nguyễn. Đền Mây có tổng thể kiến trúc kiểu chữ Tam gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung với nhiều mảng chạm khắc sinh động mang giá trị mỹ thuật cao.

Tam quan Đền Mây

Khu thờ chính Đền Mây

Hiện nay, đền Mây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hoá, nghệ thuật như: Đại tự, kiệu Bát cống, châm thư và18 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến... Đây là những di sản văn hoá vô giá rất cần được gìn giữ, bảo vệ và khai thác, phát huy giá trị.

Hàng năm, đền Mây thường tổ chức lễ hội vào ba dịp: Ngày mồng 8 đến 16 tháng Giêng kỷ niệm ngày sinh; ngày 12 đến 18 tháng 11 âm lịch kỷ niệm ngày mất của Tướng quân. Ngoài ra, nhân dân còn kỷ niệm ngày mất của thân mẫu Phạm Bạch Hổ từ ngày 16 đến 24 tháng 6 âm lịch. Đây là dịp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn công lao của vị thần có công với đất nước, với vùng quê này.

Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật, đền Mây được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích “Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” năm 1992 và là một trong 16 điểm di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân thôn Đằng Châu mà còn là niềm vinh dự của người dân Hưng Yên.

 

3- ĐỀN KIM ĐẰNG

Đền Kim Đằng tọa lạc tại khu phố Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Đền tôn thờ tướng quân Đinh Điền và phu nhân Phan Thị Môi Nương, cùng phối thờ còn có tướng quân họ Phan, họ Phạm và Họ Nguyễn.

Đinh Điền quê ở làng Đại Hữu, cùng làng với Đinh Bộ Lĩnh, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Khi còn nhỏ, ông đã cùng lũ trẻ lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay làm kiệu, suy tôn và rước Đinh Bộ Lĩnh làm Chúa. Năm 965, Ngô Xương Văn mất, đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn, nổi lên các vùng đất biệt lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu, sử cũ gọi là Thập Nhị sứ quân.

Lúc này, tại mảnh đất Hoa Lư, Ninh Bình vang danh người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh. Trong đó, tướng quân Đinh Điền theo phò giúp ông trấn giữ động Hoa Lư. Trên đường hành quân đi đánh trận, khi đến Đằng Man Trang (nay là thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn) thấy địa thế đẹp, ông liền cho quân sỹ nghỉ chân, dựng bản doanh lưu lại. Ông chọn ba người họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn ở Đằng Man làm gia tướng, đồng thời chọn người con gái xinh đẹp, nết na, có tài thao lược họ Phan tên Môi Nương làm vợ. Bà đã có đóng  góp không nhỏ cùng chồng giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất nước.

Vào năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại, triều đình suy tôn Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên kế ngôi, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng Thái Hậu. Đất nước đứng trước họa ngoại xâm của quân Tống, quân sĩ tôn Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua thay cho Đinh Toàn khi đó còn quá nhỏ. Không chấp nhận việc đó, quan Ngoại Giáp Đinh Điền và Định Quốc Công Nguyễn Bặc đem hai đạo quân thủy bộ từ Ái Châu (Thanh Hóa) tiến về kinh thành Hoa Lư mưu giết Lê Hoàn, thu lại giang sơn cho nhà Đinh. Nhưng cuộc chiến thất bại, tướng quân Đinh Điền tử trận, đạo quân tan rã.

Mặt tiền Đền Kim Đằng

Đền Kim Đằng được khởi dựng từ khá sớm, ngay sau khi tướng quân Đinh Điền cùng phu nhân Phan Thị Môi Nương mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của các ngài. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay đền Kim Đằng có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 05 gian Tiền tế và 03 gian Hậu cung. Tòa Tiền tế được làm kiểu chồng diêm hai tầng tám mái; các đao mái đắp nổi đầu rồng, trên đường bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật, hai đầu kìm đắp "lưỡng ngư", mái lợp bằng ngói vẩy rồng, phần cổ diêm đắp bốn chữ "Đinh Đại Linh Từ" bằng chữ Hán. Kết cấu các bộ vì kèo kiểu quá giang đơn giản, được nâng đỡ bằng hệ thống cột gỗ lim vững chắc. Nối tiếp với Tiền tế là 03 gian Hậu cung lợp ngói mũi. Kết cấu vì kèo kiểu con chồng đấu sen, trên các con rường chạm nổi hình hoa lá cách điệu. Gian trung tâm đặt tượng tướng quân Đinh Điền và phu nhân Phan Thị Môi Nương, được tạo tác trong tư thế ngồi tọa thiền.

Hiện nay, đền Kim Đằng còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: hoành phi, câu đối … và đặc biệt là 11 đạo sắc phong thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Hàng năm, lễ hội đền Kim Đằng tổ chức từ ngày 15 đến 17 tháng 11 âm lịch để tưởng nhớ tới ngày mất của tướng quân Đinh Điền và phu nhân. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài tổ chức rước kiệu còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, múa lân, hát nói, hát trống quân, múa rối nước... để góp phần dựng xây tình đoàn kết xóm thôn, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng đền Kim Đằng là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên năm 2014. Đền Kim Đằng cùng với các di tích trong quần thể khu di tích Phố Hiến  đang là điểm du lịch văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn vô cùng hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt du khách về với mảnh đất Phố Hiến địa linh đang trên đà phát triển.


4- CHÙA CHUÔNG

Chùa Chuông có tên chữ là Kim Chung tự, được xây dựng trên vị thế đắc địa tại khu phố chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu, đặc sắc, cảnh đẹp nơi đây đứng vào hàng danh lam cổ tích trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Chùa Chuông mang trong mình những giá trị văn hóa, tinh thần mãi mãi trường tồn của một đô thị cổ sầm uất và phồn thịnh, một “Tiểu Tràng an” vào thế kỷ XVI - XVII, nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. 

Tên gọi Chùa Chuông bắt nguồn từ truyền thuyết: Vào một năm xảy ra trận đại hồng thủy, xuất hiện quả chuông lớn đúc bằng vàng, đặt trên bè gỗ trôi trên sông. Dân làng nhiều nơi đua nhau ra kéo nhưng quả chuông vẫn không nhúc nhích. Một ngày kia, chuông vàng dạt vào bãi sông thuộc làng Nhân Dục. Các tăng ni trụ trì tại ngôi chùa nhỏ trong làng cùng hương lão và nhân dân rất vui mừng. Họ cho là trời phật ban cho chuông quý, liền làm lễ kéo chuông lên bờ và rước vào chùa. Khi thỉnh tiếng chuông vang lên âm thanh trong sáng, tiếng vang xa hàng vạn dặm, dân tình các nơi nghe thấy đều phấn chấn. Tiếng chuông vang xa đến tận Bắc quốc, khiến cho báu vật của người Nam lưu lạc ở xứ Bắc trỗi dậy tìm về. Vì sợ mất hết báu vật cướp được của người Nam nên chúng sang đất Việt, đóng giả các cao tăng đến chùa, mưu lấy cắp chuông vàng. Các tăng ni trong chùa biết được dã tâm đó liền dấu chuông đi. Dần dần những người mang dấu chuông đều viên tịch hết, hậu thế muốn tìm lại chuông nhưng không biết ở đâu. Có người cho rằng, chuông vàng đã về với đất mẹ. Để tưởng nhớ chuông vàng đã từng ở chùa, các tăng ni cùng nhân dân liền đổi tên chùa thành Kim Chung Tự (chùa Chuông vàng).

Tam quan Chùa Chuông

Mặt tiền Chùa Chuông

 Hệ thống tượng bài trí tại hai dãy hành lang Chùa Chuông

Qua những biến cố của lịch sử cùng sự bào mòn của thời gian, chùa Chuông đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Kiến trúc xa xưa đã mất, nhưng kiến trúc hiện nay của ngôi chùa có nhiều điểm khác biệt. Nhưng chỉ với một phần tương đồng nhỏ, Kim Chung tự đã tạo cho mình một dáng vẻ riêng nhất, một nét kỳ lạ đầy trí tuệ. Biết tiếp thu để rồi cải biến, chùa Chuông đã phá vỡ khuôn mẫu kiến trúc truyền thống khi xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc liên hoàn” cùng “Tứ thủy quy đường” gồm nhiều hạng mục công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Lê đan xen thời Nguyễn như: Tam quan, nhà Tiền, Tiền đường, Thượng điện, hai dãy hành lang, nhà thờ Đức vua Thần nông, nhà Tổ và nhà Mẫu. Các hạng mục được bố trí đăng đối, hài hòa trên trục đối xứng từ Tam quan đến nhà Tổ. Chính điều đó đã tạọ nên sự tráng lệ và nét kiến trúc đặc sắc, độc nhất vô nhị của ngôi chùa.

Hiện tại, chùa Chuông còn lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật rất có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử - văn hóa đó là các bức đại tự, câu đối, chuông đồng,… với nội dung phong phú, sâu sắc, đậm tính nhân văn. Tiêu biểu là các di vật như cầu đá xanh, cây hương đá (Thạch thiên đài) được tạo tác năm Chính Hòa thứ 23 (1702) và quý hiếm hơn là tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Văn bia ca ngợi chùa Chuông là nơi danh thắng hào khí anh linh, sự phồn thịnh của Phố Hiến xưa và ghi tên những người công đức, tu tạo chùa thời kỳ Phố Hiến hưng thịnh. Đặc biệt, chùa Chuông nổi tiếng bởi hệ thống tượng Phật phong phú, đặc sắc như: Thập Bát La Hán, Thập Điện Diêm Vương cùng bộ Tứ Trấn và Bát Bộ Kim Cương. Mỗi pho tượng mang một sắc thái, dáng vẻ khác nhau, được các nghệ nhân đương thời tạo tác rất công phu, sống động và uyển chuyển. Đây là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về di tích, địa danh và lịch sử Phố Hiến xưa.

Chùa Chuông được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia năm 1992 và là một di tích tiêu biểu trong khu di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.

Chùa Chuông đã, đang và sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của mỗi du khách khi về thăm Hưng Yên. Trong tâm thức mỗi người, chùa Chuông mãi là “Đệ nhất danh lam” của mảnh đất Phố Hiến hưng thịnh và yên bình đúng như người xưa đã ca ngợi:

       Đất thiêng người tuấn kiệt

Vật báu trời phát phân

Để  Quả phúc dài vạn cổ

               Công đức mãi nghìn xuân        

                

5- ĐÌNH AN VŨ

Đình An Vũ được xây dựng  trên thế đất hình chim Phượng Hoàng với khuôn viên rộng 3135m2 tại khu phố An Vũ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Đây là vọng gác tiền tiêu của Phố Hiến xưa.

Đình thờ Cao Sơn Đại Vương được nhân dân truyền gọi là ông Thần Vàng. Thần có tên là Nguyễn Hiền, người xã Thanh Uyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông là danh tướng thời Vua Hùng Duệ Vương, đã cùng Tản Viên Sơn thánh kết nghĩa anh em. Hai ông cùng phò giúp vua Hùng đánh thắng quân Thục xâm lược giành độc lập cho dân tộc. Sau khi mất, ông được dân làng An Vũ tôn làm thành hoàng của làng và xây đình để ngàn năm thờ phụng.

Đình An Vũ xây dựng từ thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 (1741) và được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại thứ 04 (1929). Đình có kết cấu tổng thể kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung với các cấu kiện được làm từ vật liệu gỗ chắc khỏe, bền đẹp. Toà Đại bái 05 gian, kiến trúc bộ vì theo kiểu giá chiêng chồng rường, các khoảng hoành được bố trí kiểu “Thượng tứ hạ ngũ”. Bốn đầu dư đỡ câu đầu chạm lộng hình đầu rồng mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Hậu Lê. Các cấu kiện như kẻ, bẩy, con rường đều chạm bong kênh hoa văn hình lá lật, hoa dây mềm mại, uyển chuyển. Hậu cung gồm 03 gian với lối kiến trúc đơn giản làm kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì tạo tác kiểu con chồng đấu kê. Đình An Vũ là di tích có kiến trúc tổng thể còn tương đối đồng bộ, các mảng chạm khắc trang trí thời Lê đan xen thời Nguyễn mang giá trị văn hóa, mỹ thuật cao.

Mặt tiền Đình An Vũ

Hiện nay, đình An Vũ còn bảo lưu được nhiều hiện vật, đồ thờ có giá trị như: Tượng Cao Sơn Đại Vương, đỉnh đồng, chuông đồng và đặc biệt là 05 đạo sắc phong thời Nguyễn.

Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng 03 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ đến công lao của Thành hoàng. Ngoài các nghi thức  tế lễ, dâng hương còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: hát trống quân, hát cò lả... thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đây cũng là dịp tri ân công lao của vị thành hoàng, đồng thời ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông ta trong buổi đầu đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Đình An Vũ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia năm 1999 và là một trong 16 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.


6- ĐỀN NAM HÒA

Đền Nam Hoà được xây dựng tại làng Nam Hòa, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng xưa; nay là đường Bãi Sậy, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Làng Nam Hòa là nơi tụ cư của người Việt và người Nhật, vì vậy người dân nơi đây đã gọi tên đền theo tên làng để ghi nhớ tình hữu nghị Việt - Nhật, thời kỳ Phố Hiến hưng thịnh, thế kỷ XVII.

Đền Nam Hoà thờ ba vị thiên thần gồm Đức Thiên Quan, Đức Thổ Địa Long thần và Đức Thuỷ Phủ - những vị thần đại diện cho sức mạnh của tam giới là Thiên, Địa, Thủy (trời, đất và nước). Các ngài vô cùng linh ứng, có công che trở, bảo vệ cho nhân dân địa phương, làm giảm bớt những thiên tai, dịch hoạ và mang đến mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt nên đời sống người dân ngày một ấm no, thịnh vượng. Trải qua các triều đại, thần đều âm phù che chở, bảo vệ người dân nên các ngài được nhà vua ban sắc, tặng phong mỹ tự.

Đền Nam Hoà được khởi dựng từ sớm trên thế đất hình con quy, diện tích rộng 720m2 với nhiều cây cổ thụ bao quanh. Đến thời Nguyễn, ngôi đền được trùng tu với quy mô lớn, kết cấu tổng thể kiến trúc gồm bốn toà được làm hoàn toàn từ vật liệu gỗ chắc khoẻ. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, xã hội, ngôi đền đã bị phá hủy. Sau đó, đền Nam Hòa được nhân dân địa phương phục dựng lại trên nền toà Hậu cung, tổng thể kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 03 gian, chia làm hai phần ngăn cách nhau bởi bức tường lửng với bốn mái theo phong cách kiến trúc truyền thống.

Mặt tiền Đền Nam Hòa

Xưa kia, lễ hội tại đền được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 và ngày mồng 10 tháng 8. Vào mỗi dịp lễ hội, nhân dân thường tổ chức tế lễ, rước kiệu và diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, cờ tướng,… Lễ vật dâng cúng thần trong những ngày diễn ra lễ hội được chia theo xuất đinh của làng. Lễ vật thường là xôi, lợn, hoa quả,... Khi tế lễ xong thì phân phát lộc cho những người có ngôi thứ trong làng, rồi thừa lộc nhân dân cùng nhau thụ hưởng.

Ngày nay, lễ hội đền Nam Hoà thường được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 cùng dịp với lễ hội đền Mẫu, đền Trần và lễ hội đình, chùa Hiến,... Đây cũng là dịp khai mạc lễ hội dân gian Phố Hiến với nhiều hoạt động tạo thành sự kiện văn hoá mang đậm sắc thái tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng cư dân Phố Hiến.

Với những giá trị lịch sử văn hóa, đền Nam Hòa là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng năm 2014.

 

7- ĐỀN TRẦN

Đền Trần nằm uy nghi soi bóng bên hồ Bán Nguyệt thuộc phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, là một trong những danh thắng tiêu biểu thuộc quần thể di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.

Ngôi đền tôn thờ người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị tướng trụ cột của vương triều Trần. Ông sinh ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228) trong một gia đình quý tộc thuộc tôn thất nhà Trần, nguyên quán ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, Nam Định. Cha ông là An Sinh vương Trần Liễu, anh ruột của Vua Trần Thái Tông, mẹ là Nguyệt Vương Phi.

Ngay từ lúc mới sinh, Trần Quốc Tuấn đã được coi là bậc kỳ tài sau này có thể cứu nước, giúp đời. Với tư chất thông minh, tài trí hơn người lại được giáo dục, rèn luyện toàn diện ngay từ thủa nhỏ, nên Quốc Tuấn sớm trở thành người văn, võ toàn tài.

Khi lớn lên, Trần Quốc Tuấn có dung mạo khôi ngô, đọc thông hiểu rộng, văn võ song toàn. Trần Liễu thấy con như vậy mừng lắm, những mong con có thể rửa nhục cho mình. Song, Trần Quốc Tuấn đã tỏ rõ là một bậc hiền tài, một vị anh hùng cứu nước, biết đặt lợi nước lên trên thù nhà, tạo nên sự thống nhất ý trí của toàn bộ vương triều, vun trồng khối đoàn kết trong gia tộc, tạo cho thế nước đủ sức mạnh đè bẹp quân thù. Ông đã ba lần tham gia chống quân Nguyên - Mông xâm lược, được vua Trần phong làm Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt đã làm nên chiến thắng, giữ vững nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thắng lợi đã chặn đứng đà xâm lược của quân giặc xuống Đông Nam Á, đồng thời che chở cho nhiều dân tộc khỏi họa ngoại xâm.

Không chỉ là nhà quân sự lỗi lạc, Trần Quốc Tuần còn là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm lý luận quân sự có giá trị như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư,… khẳng định một bước phát triển quan trọng của khoa học quân sự Việt Nam - hình thành học thuyết khoa học quân sự dân tộc trong chiến tranh giữ nước.

Toàn cảnh Đền Trần

Trần Quốc Tuấn mất ngày ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300) tại tư dinh Kiếp Bạc. Theo di nguyện thi hài ông được hỏa táng, thu vào bình đồng và an táng tại vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc. Ông được phong tước Thái Sư Thượng phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Nhà vua cho lập đền thờ tại Vạn Kiếp - Chí Linh - Hải Dương và cũng chính là ấp phong của ông lúc sinh thời.

Trong tâm thức người dân đất Việt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đi vào huyền thoại, đi vào thế giới tâm linh, trở thành vị “Thánh” được toàn dân thờ phụng. Ông được người đời tôn xưng là vị thần bảo vệ, che chở cho cư dân nông nghiệp tránh được thiên tai, (địch họa), đem lại mùa màng tươi tốt. Từ Trần Hưng Đạo đến “Đức Thánh Trần” rồi “Đức Thánh Cha”. Từ một nhân vật lịch sử “bằng xương bằng thịt” đã trở thành vị thánh thiêng liêng được tôn thờ rộng rãi và phổ biến nhất trong các vị thần linh đất Việt.

Tương truyền, đền Trần được xây dựng trên một vị thế đắc địa về cảnh quan, phong thủy của Phố Hiến xưa. Đây là nơi hội tụ của ba con sông lại gần cửa biển nên trở thành vị trí chiến lược trọng yếu, thuận lợi cho cả giao thông thủy bộ. Vì vậy, Trần Hưng Đạo đã chọn nơi đây làm địa điểm đóng quân doanh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3. Phòng tuyến này nằm trong chiến lược bảo vệ vùng Tức Mặc (quê hương của Nhà Trần) đồng thời có thể làm bàn đạp để phản công quân địch, giải phóng Thăng Long.

Lễ hội Đền Trần

Theo các tư liệu lịch sử, đền Trần được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ XIV sau khi Hưng Đạo Đại Vương mất. Trải qua sự biến thiên của thời gian, sự thăng trầm của lịch sử, dưới triều Nguyễn, niên hiệu Tự Đức 16 (1863), niên hiệu Thành Thái 4 (1892) ngôi đền nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Dấu ấn kiến trúc đền Trần hiện nay mang đậm phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Hiện nay, kiến trúc tổng thể đền Trần theo kiểu chữ Tam gồm: 05 gian Tiền tế, 05 gian Trung từ và 03 gian Hậu cung. Các hạng mục công trình được bố trí cân đối, hài hòa theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”. Tại gian trung tâm Hậu cung là ban thờ Đức Thánh Trần. Phía sau là ngai và bài vị Tổ nghiệp họ Trần cùng gia đình và hai gia tướng tài danh là Yết Kiêu và Dã Tượng.

Hiện nay, đền Trần còn bảo lưu được nhiều hiện vật rất có giá trị về lịch sử - văn hóa và mỹ thuật, đó là hệ thống cửa võng, câu đối, ngai thờ, bia đá… và đặc biệt là 15 đạo sắc phong thời Nguyễn. Đây là những di sản văn hóa vô giá, là nguồn sử liệu quý báu đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử, địa danh của Phố Hiến xưa.

Hàng năm, vào ngày 8/3 và 20/8 âm lịch, đền Trần thường tổ chức lễ hội nhằm kỷ niệm ngày chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và ngày hóa của Đức Thánh Trần. Đây cũng là dịp diễn ra các lễ hội văn hóa dân gian vùng Phố Hiến với nhiều hoạt động văn hóa tạo thành sự kiện mang đậm sắc thái tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây.

Đền Trần là một di tích đặc biệt tiêu biểu nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái. Với ý nghĩa lịch sử to lớn và những tiềm năng sẵn có, đền Trần đã và đang trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn cho mỗi du khách khi về thăm Phố Hiến- Hưng Yên.

 

8- ĐỀN MẪU

Đền Mẫu có tên chữ là Hoa Dương Linh từ, là một thắng tích đẹp nằm uy nghi soi bóng bên Hồ Bán Nguyệt thơ mộng như một bức tranh phong cảnh hữu tình tại đường Bãi Sậy, phường Quang trung, thành Phố Hưng Yên.

Đền thờ bà Dương Quý Phi triều Tống, Trung Quốc. Theo sử sách, vào thế kỷ XIII, đế quốc Nguyên - Mông xâm chiếm nước Tống. Triều đình Mạt Tống tan vỡ, vua quan phải chạy trốn ra đảo Nhai Sơn. Nhưng thế cùng lực kiệt không chống cự nổi sự truy đuổi tới cùng của quân Nguyên - Mông, vua Tống Đế Bính cùng quan quân, tam cung lục viện triều đình nhảy xuống biển tuẫn tiết. Sau nhiều ngày trôi dạt trên biển, thi hài bà Dương Quý Phi đã dạt vào vùng biển hạ lưu Đằng Giang, thuộc vùng đất Phố Hiến. Nhân dân địa phương đã đắp mộ và dựng ngôi miếu nhỏ thờ bà, mọi người đến thắp hương, cầu đảo đều rất linh ứng.

 Toàn cảnh Đền Mẫu

Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí”: Đền Mẫu được xây dựng vào năm Tường Hưng thứ nhất (1279) với quy mô nhỏ. Đến đời vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294), nhà vua thân chinh đi đánh giặc Chiêm Thành qua đây thấy khung cảnh yên tĩnh, không gian thoáng đãng đã cho quân dừng lại. Đêm hôm đó, Thánh Mẫu đã ứng mộng phù trợ, giúp nhà vua đánh giặc Chiêm Thành. Thắng lợi trở về, nhà vua chiếu lệnh cho nhân dân địa phương và Quan Thái Giám họ Du tôn tạo ngôi đền khang trang, đẹp đẽ. Trải qua các triều đại, đền Mẫu đều được trùng tu, tôn tạo và dấu ấn kiến trúc hiện nay mang đậm phong cách thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896) với tổng thể các hạng mục gồm: Nghi môn, Đại bái, Cung đệ Nhất, Cung đệ Nhị, Cung đệ Tam, Hậu cung, Phủ Đông, Phủ Tây, Lầu Cô,… Các công trình đều được làm bằng gỗ lim, kết cấu các bộ vì kiểu chồng giường giá chiêng hoặc giá chiêng biến thể, chạm khắc hoa văn tinh xảo với nhiều đề tài như hoa dây, hổ phù, đao mác, chữ Thọ, hoa văn kỷ hà, tứ linh, tứ quý,… có giá trị mỹ thuật cao.

 Mặt tiền Đền Mẫu

Sự hội tụ độc đáo của 3 cây đa, sanh, si tại sân Đền Mẫu

Đền Mẫu còn bảo lưu được nhiều cổ vật, đồ thờ quý rất có giá trị như: bộ long sàng, long kỷ, cỗ kiệu bát cống, thất cống tạo tác vào thời Hậu Lê còn khá nguyên vẹn, đường nét tinh xảo với các đề đài độc đáo. Ngoài ra, tại đền còn lưu giữ được đôi lọ lục bình men rạn thời Nguyễn, bức châm của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (1896) và 15 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn.

Ngay tại sân đền là sự hội tụ độc đáo của ba cây đa, sanh, si cổ thụ khoảng 800 năm, tạo nên một kỳ quan hùng vĩ và cổ kính bao trùm toàn bộ ngôi đền. Tương truyền, xưa kia trước cửa đền là cây bàng cổ thụ, chim chóc về đậu mang theo những hạt cây xanh, si, đa và bỏ lại trên thân cây bàng. Những hạt đó đã mọc thành cây và phát triển ngay trên thân bàng, dần dần rễ ba cây sanh, si, đa tìm xuống đất, bao trùm kín quanh thân cây bàng thành thế kiềng ba chân vững chắc. Và theo nhận định của nhà sử học Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng thì “Đây là cây đa cổ nhất vùng châu thổ Bắc Bộ”.

Hàng năm, lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ ngày mất của Thánh mẫu. Hòa cùng lễ hội dân gian Phố Hiến, tại đây diễn ra nhiều hoạt động nhằm bảo lưu những giá trị truyền thống như: Tế lễ, rước kiệu, múa lân, múa rồng, rước nước, chọi gà, cờ tướng,… và nhiều trò chơi dân gian khác. Đây là dịp tập trung đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự, tạo nên bản sắc độc đáo của văn hóa Hưng Yên trong vùng châu thổ Bắc Bộ, tạo đà cho du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Lễ hội Đền Mẫu

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, ngày 31 tháng 12 năm 2014 Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định xếp hạng đền Mẫu là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên.

 

9- CHÙA PHỐ

Chùa Phố toạ lạc trên đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Xưa kia, đây là khu vực người Nhật và người Hoa tập trung sinh sống đã lập lên phố Bắc Hoà. Ngôi chùa là minh chứng cho sự tồn tại của người Hoa ở lại Phố Hiến sau thời kỳ hưng thịnh.

Chùa phố khi mới khởi dựng có tên là Quan Âm Các. Sau đó, người dân Trung Quốc ở phố Bắc Hoà tiến hành tu sửa, mở rộng và đổi tên là chùa Minh Hương với mong muốn làm rạng rỡ quê hương bản xứ. Thời gian sau, chùa được đổi tên thành Bắc Hoà tự. Đến đầu thế kỷ XX, quan Tổng đốc Thái Bình là Nguyễn Năng Quốc hưng công tu sửa chùa với mong muốn nơi đây thành trung tâm Phật giáo của tỉnh Hưng Yên. Để cảm tạ công ơn của ông, nhân dân đổi tên chùa là Bắc Hoà Quốc Công tự và thành Bắc Hoà Nhân Dân tự. Ngoài ra, ngôi chùa nằm ở trung tâm thành phố nên gọi là chùa Phố và lâu dần thành tên chính của chùa.

Chùa Phố ngoài thờ Phật còn là trung tâm Phật giáo của Phố Hiến xưa cũng như thành phố Hưng Yên ngày nay.

Tam quan Chùa Phố

Tương truyền, chùa Phố được khởi dựng vào cuối thời Lê, thời kỳ Phố Hiến đã và đang suy tàn, nhóm người Hoa còn lại ở Phố Hiến cùng với một số nhà từ thiện người Bắc Hoà đã xây dựng nên. Ban đầu, chùa có quy mô nhỏ, chỉ là lầu thờ Quan âm. Trải qua một số lần trùng tu vào các năm Tự Đức thứ 10 (1857) và Thành Thái thứ 16 (1903), chùa có quy mô lớn hơn. Ban đầu chùa quay về hướng Nam. Năm Bảo Đại thứ 1 (1926) quan Tổng đốc Thái Bình là Nguyễn Năng Quốc đã tiến hành tu sửa chùa với quy mô lớn. Ông đã cho xoay chùa về hướng Bắc, mở rộng phật điện, làm Tam quan và Gác chuông. Hiện nay, chùa Phố có tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục: Tam quan, 03 gian Tiền đường, 03 gian Thiên hương và 03 gian Thượng điện. Kết cấu các bộ vì kiểu kèo cấu quá giang đơn giản hoặc kiểu cuốn vòm. Trên đó, trang trí hoa văn, đắp phù điêu các vị Phật, các vị La Hán rất sống động.

Nhìn chung, tổng thể các hạng mục chùa Phố mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa cách tân kết hợp với kiến trúc truyền thống của người Việt và phương Tây. Đây là loại hình kiến trúc mà chúng ta ít gặp ở tỉnh Hưng Yên nói riêng, đồng bằng sông Hồng nói chung. Có thể đây là nét độc đáo, pha trộn trong công trình kiến trúc văn hoá ở đô thị cổ Phố Hiến một thời một thời nổi danh chỉ đứng sau kinh đô Thăng Long. Chùa Phố là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng ngày 31/12/2014.


10- ĐỀN THIÊN HẬU

Đền Thiên Hậu có tên chữ là Thiên Hậu cung, tọa lạc trên phố Bắc Hòa - trung tâm của Phố Hiến xưa, nay là đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Ngôi đền tôn thờ bà Lâm Tức Mặc, người làng Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà là vị thần biển của người Hoa, có lòng nhân đức cứu giúp dân lành, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bà được tôn vinh là thần Hàng Hải, được người dân ca ngợi, kính cẩn lập đền, mở phủ nhiều nơi để tôn thờ.

Theo "Đại Thanh nhất thống chí" Lâm Tức Mặc quê ở đảo Mi Châu, thuộc làng Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà sinh ngày 23 tháng 3 âm lịch, là con gái thứ 6 Lâm Nguyện, em gái thứ 2 của Ôn Công, thuộc dòng dõi Cửu Mạc. Tương truyền, Lâm Tức Mặc khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ bao quanh, đặc biệt từ khi lọt lòng mẹ cho đến đầy tháng, bà không một lần cất tiếng khóc, vì thế cha mẹ gọi là Lâm Mặc nương. Từ nhỏ, bà thông minh, đĩnh ngộ hơn người, có lòng bao dung, giúp đỡ người khác. Năm lên 8 tuổi, bà đi học tiên và luyện đơn thành cửu chuyên, có thể hô mưa, gọi gió và có phép màu cưỡi chiếu bay trên biển. Khi dân tình mất mùa đói kém, bà đã phát hiện ra một thứ rong biển dùng để nấu thạch làm thức ăn cứu đói cho dân. Bà còn tìm ra thứ dầu ăn gọi là "Ma Mộc", phun xuống đất mọc lên cây cho hạt ăn thay lúa gạo, giúp dân nghèo qua những trận đói kéo dài. Bà tinh thông y thuật nên thường trị bệnh cứu người, dậy dân cách phòng bệnh dịch, được mọi người vô cùng mến phục… Bà còn thu phục được hai tướng tài Thiên Lý Nhãn và thiên Lý Nhĩ, các ngài có tài nhìn và nghe xa, phát hiện bọn giặc biển để trừ khử cho dân chài ra khơi đánh cá yên lành, thịnh vượng.

Đền Thiên Hậu được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVI nửa đầu thế kỷ XVII do 14 dòng họ người Hoa ở Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến quyên góp vật liệu chuyển sang bằng đường biển, đồng thời kết hợp với các nghệ nhân người Việt cất dựng lên. Hiện nay, ngôi đền là một công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo, tương đối đồng bộ, hài hòa với các hạng mục: Tam quan, Giải vũ, Thiêu hương và Hậu cung. Đền chính xây bằng gạch Bát Tràng, đầu đao cong dáng đuôi cá. Tam quan của đền cao và rộng, tường bao hai bên trang trí gạch men hoa chanh màu xanh lam. Trước Tam quan là đôi nghê tạo tác bằng chất liệu đá hoa cương trong tư thế ngồi chầu ra cửa, con đực miệng ngậm ngọc, con cái ôm con bú, vẻ đẹp của đôi nghê đã đi vào câu ca:

Ai về tỉnh lỵ Hưng Yên

Thăm đền Thiên Hậu đôi bên nghê chầu

Con Dương ngậm ngọc Bích Châu

Con Âm sữa ngọt một bầu nuôi con

Hình ảnh hai con nghê này nói lên quan niệm sống của người Trung Hoa, được của và được con là hạnh phúc lớn của con người.

Đôi nghê chầu trước cửa, nét đặc sắc của Đền Thiên Hậu

Tiếp đến là Thiêu hương có lối kiến trúc kiểu chồng diêm với khoảng cách cổ diêm ngắn, thân cột đỡ mái hình lục giác, trên các vì cánh cửa chạm khắc đề tài trong các tích truyện của Trung Hoa như: Tam Quốc, Tây Du Ký… Hậu cung 05 gian, các bộ vì kết cấu kiểu chồng rường cánh. Các mảng chạm khắc được kết hợp nhiều chủ đề như sư tử hý, phượng hàm thư, rùa, rơi… mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật Trung Hoa. Tại gian trung tâm Hậu cung đặt khám thờ, trong bài trí 05 pho tượng của bà tượng trưng cho 05 phủ của tỉnh Phúc Kiến. Ngoài gian thờ chính, hai gian bên có ban thờ thân phụ, thân mẫu và anh ruột của bà cùng ban thờ các dòng họ người Hoa đã có công xây dựng và tôn tạo đền. Đền Thiên Hậu là một trong số rất ít những công trình kiến trúc của người Hoa ở Phố Hiến còn được bảo lưu đồng bộ tới ngày nay.

Hiện nay, đền Thiên Hậu còn gìn giữ được nhiều đồ thờ tự, cổ vật có giá trị liên quan tới việc đi sông biển và ngợi ca tài danh của vị nữ thần như: Sắc phong, bia đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, kiệu Mẫu,… và nhiều đồ tế tự được mang từ Trung Quốc sang. Nổi bật là những mảng chạm khắc, trang trí kiến trúc mang đậm dấu ấn, màu sắc văn hóa Trung Hoa đan xen kiến trúc của người Việt với các đề tài: bát mã quần phi, phượng hàm thư…

  Khu thờ chính Đền Thiên Hậu

Hàng năm, đền Thiên Hậu mở hội vào ngày 23/3 và ngày 9/9 (âm lịch) để tưởng nhớ ngày sinh và ngày hoá của Thánh Mẫu. Đây là lễ hội mang sắc thái độc đáo riêng, là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Trung Hoa với văn hóa Việt. Lễ vật được dâng lên là những món ăn truyền thống của người Hoa như bánh Dong Câu, kẹo Sìu, bánh Rùa, bánh Tô Châu.

Từ những giá trị lịch sử, khoa học hiện hữu, đền Thiên Hậu là một trong 16 di tích thuộc quần thể di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là “Di tích Lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.

 

11- VÕ MIẾU

Võ Miếu được xây dựng trên thế đất “long ngư quần tụ” tại phố Bắc Hòa xưa, nay thuộc đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Đây là một trong những di tích tiêu biểu của người Hoa hiện còn lưu giữ được tại Phố Hiến.

Võ Miếu thờ Quan Thánh Đế Quân hay còn gọi là Thượng Hữu Phục Ma Đại Đế, dân gian gọi là Quan Công hay Quan Vũ. Quan Vũ tự là Vân Trường - một vị tướng văn võ song toàn thời Tam Quốc (Trung Quốc). Ông quê ở Giả Lương, quận Hà Đông, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông cao chín thước, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt, là người vũ dũng, hào hiệp, hay bảo vệ kẻ yếu. Quan Vũ cùng với Lưu Bị, Trương Phi kết nghĩa huynh đệ và có công lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Ông là một trong những dũng tướng trung nghĩa của Lưu Bị đánh thắng nhiều trận, làm cho quân địch nhiều lần khiếp sợ, song cuối cùng bị thất bại trước Ngô Quyền. Sau khi mất, ông được phong tặng chức Tráng Mậu Hầu. Đối với người Hoa, ông là hiện thân của trung nghĩa và được tôn là thánh nhân phù hộ cho hơn 20 nghề truyền thống nên người dân Trung Quốc thờ phụng ông ở nhiều nơi.

Tam quan Võ Miếu

Võ Miếu là một trong số rất ít di tích của người Hoa khi họ di cư sang buôn bán và cư trú tại Phố Hiến xây dựng nên trong thời kỳ phồn thịnh của đô thị Phố Hiến (Thế kỷ XVI - XVII), được trùng tu, tôn tạo lớn vào thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái (1898). Hiện nay, Võ Miếu là một trong những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn kiến trúc Phúc Kiến đan xen kiến trúc Việt. Kiến trúc tổng thể Võ Miếu kiểu “Nội Công ngoại Quốc” gồm: Tam quan, Tiền tế, Thiêu hương, Hậu cung và hai Giải vũ. Tam quan 03 gian, kiến trúc các bộ vì kiểu chồng rường con nhị được bào trơn đóng bén. Tòa Tiền tế 03 gian, kết cấu phần mái theo kiểu “Thượng tứ hạ ngũ”, các bộ vì làm kiểu vì giá chiêng. Thiêu hương 01 gian, kiến trúc đơn giản xây bổ tứ làm trụ cột. Tiền tế có treo đại tự ca ngợi công đức của Quan Công, đó là:

          Thiên cổ vĩ nhân

          Bạch nhật thanh thiên     

          Đại nghĩa tham thiên

Dịch nghĩa:

          Bậc vĩ nhân ngày xưa

          Đức của thần toả sáng như trời xanh

          Nghĩa lớn thấu trời

Hậu cung gồm 03 gian, các bộ vì kiểu giá chiêng. Trên các cấu kiện kiến trúc được các nghệ nhân chạm nhiều đề tài trang trí mang đậm nét kiến trúc, mỹ thuật của Trung Hoa đan xen với đề tài dân gian Việt.

Hiện nay, Võ Miếu còn lưu giữ nhiều đồ thờ tự có giá trị về mặt lịch sử văn hóa cũng như mỹ thuật như: Tượng Quan Vũ, bộ tam sự, sập chân quỳ dạ cá, bát tô thời Minh, bát hương thời Lê, hương án đá,…

Hàng năm, vào ngày 13 tháng 5 âm lịch nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để kỷ niệm ngày sinh của đức Thánh với nhiều hoạt động và trò chơi dân gian nhằm bảo lưu những giá trị truyền thống.

 Với những giá trị tiêu biểu, Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định xếp hạng Võ Miếu là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên năm 2014.

         

12- ĐỀN BÀ CHÚA KHO

Đền Bà Chúa Kho có tên chữ là Thương Tỉnh linh từ hay đền Gốc Sanh. Đền tọa lạc trên một thế đất cao ráo, thoáng đãng thuộc đường Điện Biên III, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Ngôi đền nằm ẩn mình dưới bóng cây sanh, cây đa cổ thụ tạo nên vẻ đẹp thâm nghiêm, u tịch và cổ kính.

Đền Bà Chúa Kho thờ bà Lê Bạch Nương, một mỹ nhân trung quân ái quốc thời Lê. Bà là người con gái có nhan sắc, giỏi văn chương, tinh thông võ nghệ lại xuất thân dòng dõi Hoàng tộc. Khi giặc phương Bắc xâm lược nước ta, bà được giao phụ trách coi giữ kho ngân khố quốc gia ở Vĩnh Ty Đồn (thành phố Hưng Yên ngày nay). Bà đã cùng quân sỹ quyết tử, lấy máu mình vẩy khắp vựa bạc để bảo vệ kho ngân không rơi vào tay giặc. Bà anh dũng hy sinh khi tuổi đời chưa đến ba mươi. Sau khi bà mất, nhân dân địa phương đã lập đền tôn thờ bà, nhà vua ban sắc và tặng phong mỹ tự cho ngôi đền là “Thiên phủ chư tích” (nơi tích trữ ngân khố).

Căn cứ vào tư liệu hiện còn lưu giữ thì đền Bà Chúa Kho xây dựng từ thời Lê tại khu Nhà Thành và có quy mô rộng lớn. Do biến cố lịch sử, cuối thế kỷ XIX ngôi đền được di chuyển ra vị trí hiện nay. Tổng thể kiến trúc đền Bà Chúa Kho kiểu chữ Nhị gồm 03 gian Tiền tế và 03 gian Hậu cung. Các hạng mục, cấu kiện kiến trúc còn tương đối đồng bộ, trang trí nhiều mảng chạm khắc hoa văn mềm mại với các đề tài dân gian quen thuộc như: Tứ linh, tứ quý, hoa dây cách điệu…

Nghi môn Đền Bà Chúa Kho

Khu thờ chính Đền Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho còn bảo lưu được nhiều hiện vật, đồ thờ có giá trị như: 02 đạo sắc phong thời Nguyễn, trâm bạc, lục bình sứ,… đặc biệt là bộ tượng đồng được tạo tác vào thế kỷ XVII.

Hàng năm, vào ngày mồng 01 tháng 3 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động tế lễ, dâng hương và một số trò chơi dân gian như: cờ tướng, chọi gà… thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia. Đây cũng là dịp để du khách hòa mình vào không khí trang nghiêm, thành kính của các nghi lễ truyền thống cùng các trò chơi dân gian đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Với những giá trị tiêu biểu, đền Bà Chúa Kho được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên năm 2014.

 

13- ĐỀN CỬU THIÊN HUYỀN NỮ

Đền Cửu Thiên Huyền Nữ còn gọi là đền Bắc Hòa hay Cửu Thiên cung tọa lạc trên phố Bắc Hòa, tổng Yên Tảo, huyện Kim Động xưa; nay thuộc đường Điện Biên II, phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Đền Cửu Thiên Huyền Nữ thờ Đức Thánh Cửu Thiên Huyền Nữ Chân Quân, là vị thánh có công giúp đỡ nhân dân trong lúc hoạn nạn, nguy nan, được nhân dân tôn làm Thành hoàng. Ngài còn được gọi là Cửu Thiên Nương Nương, Cửu Thiên Huyền Nữ Nương Nương, hoặc nói gọn Oa Huỳnh, Huyền Nữ, là một vị nữ thần trong truyền thuyết thần thoại của Trung Quốc, về sau được Đạo giáo tin tưởng trở thành một vị nữ thần nổi danh trong hàng nữ tiên. Ngoài ra,  đền còn phối thờ các vị Long mạch Thổ thần, người cai quản vùng đất này và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người có công cùng với quân dân nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ thứ XIII.

Mặt tiền Đền Cửu Thiên Huyền Nữ

Đền Cửu Thiên Huyền Nữ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại (năm 1937). Hiện nay, ngôi đền mang đậm phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn với tổng thể các hạng mục kiểu chữ Công (), mặt tiền hướng Tây gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Tòa Tiền tế 03 gian được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, liên kết bộ vì theo kiểu kèo cầu quá giang trốn cột khá đơn giản. Tòa Trung từ được xây dựng theo kiểu cuốn vòm - là một trong những kiểu kiến trúc đặc thù của các di tích thuộc quần thể khu di tích Phố Hiến. Ở vị trí cao nhất của Trung từ là khám thờ Tam tòa Thánh mẫu, gồm: Mẫu Thượng thiên - vị thần cai quản miền trời, Mẫu Thượng ngàn - vị thần cai quản miền rừng núi và Mẫu Thoải - vị thần cai quản miền sông nước. Đây là ba vị chúa được nhân dân Phố Hiến tôn thờ với mục đích cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, rừng vàng biển bạc, hoa trái xum xuê. Phía dưới Tam tòa Thánh mẫu là ban thờ Ngũ vị quan lớn, bao gồm: Quan lớn đệ nhất Thượng thiên, Quan lớn đệ nhị Thượng ngàn, Quan lớn đệ tam Thoải phủ, Quan lớn đệ tứ Khâm sai, Quan lớn đệ ngũ Tuần tranh.

Nối tiếp tòa Trung từ là 03 gian Hậu cung, các bộ vì được liên kết theo kiểu “Kèo cầu quá giang”, các cấu kiện được bào trơn, không có trang trí hoa văn. Tại gian trung tâm Hậu cung đặt khám thờ đức Cửu Thiên Huyền Nữ. Tượng Đức Thánh đặt trong khám lớn có niên đại khá muộn, xong những mô tuýp trang trí tại đây vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền dân tộc như: lưỡng long chầu mặt trời, hổ phù, tứ linh, tứ quý và sen dây cách điệu.

Hằng năm, đền Cửu Thiên Huyền Nữ diễn ra lễ hội vào các ngày mồng 03 tháng 3, ngày 20 tháng 8 và ngày mồng 09 tháng 9 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần được tôn thờ. Xưa, vào những ngày hội chính (ngày 9/9 âm lịch), người dân địa phương tổ chức những trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, tổ tôm điếm, cờ biển… Ngày nay, trong lễ hội có nhiều hoạt động như tế lễ, dâng hương và giao lưu văn nghệ được người dân nơi đây diễn xướng hội như: hát chèo, hát quan họ…

Đền Cửu Thiên Huyền Nữ được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày  31/8/2010 xếp hạng là di tích Lịch sử cấp tỉnh. Và ngôi đền là một trong 16 điểm di tích thuộc khu di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.

 

14- ĐÔNG ĐÔ QUẢNG HỘI - THIÊN HẬU CUNG

Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu cung được xây dựng tại trung tâm phố Hiến Hạ khi xưa, nay thuộc khu phố Mậu Dương, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Nơi đây là minh chứng cho thời kỳ phát triển hưng thịnh của mảnh đất Phố Hiến nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Đông Đô Quảng Hội là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài để mua bán, hợp đồng xuất nhập khẩu, định giá hàng hoá, điều hành các thương vụ ở Phố Hiến thế kỷ XVI - XVII, đồng thời đây cũng là trụ sở giao tiếp của người đồng hương Trung Hoa. Ngoài ra, nơi đây còn tôn thờ Tam Thánh là: Thần Thái y có công cứu nhân độ thế và dạy dân trồng các dược liệu quý làm thuốc chữa bệnh, Thần Hoa Quang dạy dân làm các nghề thủ công và Thần Nông dạy dân làm ruộng, trồng trọt và chăn nuôi.

Phía bên trái Đông Đô Quảng Hội là Thiên Hậu cung, thờ bà Lâm Tức Mặc, người làng Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà là vị thần biển của người Hoa, có lòng nhân đức cứu giúp dân lành, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bà được tôn vinh là thần Hàng Hải, được người dân ca ngợi, kính cẩn lập đền, mở phủ nhiều nơi để tôn thờ.

Cụm di tích được khởi dựng vào thế kỷ XVI (1590) trên khu đất rộng rãi, khoáng đạt. Toàn bộ nguyên vật liệu, đồ tế khí do 14 dòng họ thuộc ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến (Trung Quốc) quyên góp, vận chuyển sang bằng đường biển và được các thương nhân cùng người dân Phố Hiến cất dựng lên. Trải qua thời gian, với nhiều lần trùng tu, tôn tạo Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu cung vẫn là công trình độc đáo giữ được nguyên nét kiến trúc Trung Hoa như lời Giáo sư Trần Lâm Biền đã nhận định: Đối với các hội quán có sự đóng góp của người Hoa, phải khẳng định rằng, cho tới nay không một hội quán nào có gốc Hoa ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước còn giữ được những bộ phận kiến trúc và nghệ thuật mang niên đại vào thế kỷ XVII - XVIII như của Hưng Yên - Đông Đô Quảng Hội.

Tam quan Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu Cung

Hiện nay, Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu Cung đều có bố cục tổng thể  kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công gồm 3 gian Tiền tế, 01 gian Thiên hương và 3 gian Hậu cung, kết cấu các bộ vì theo kiểu giá chiêng con nhị. Hiện tại, cụm di tích còn bảo lưu được kiến trúc tương đối đồng bộ, hài hòa, mang đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa đan xen với kiến trúc cổ truyền của người Việt. Đây là cụm di tích thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Phố Hiến xưa.  

Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu cung còn lưu giữ nhiều đồ tế tự quý như: bát hương, bia đá, bát men Lam Ngọc thời Càn Long, đèn đồng thế kỉ XVII, bộ ngũ sự bằng đồng thau… cùng hệ thống câu đối, đại tự, ngai thờ có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao.

Hàng năm, lễ hội tại Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu Cung được tổ chức vào các ngày 23 tháng 3, ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh và ngày hoá của Thánh Mẫu Lâm Tức Mặc; ngày 10 tháng 10 âm lịch kỷ niệm ngày lễ đản của Tam Thánh đế. Đây là lễ hội mang sắc thái độc đáo riêng, là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Trung Hoa với văn hóa Việt. Lễ vật được dâng lên là những món ăn truyền thống của người Hoa như: bánh Dong Câu, kẹo Sìu, bánh Rùa, bánh Tô Châu.

Từ những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật còn hiện hữu, Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu cung là một trong 16 di tích thuộc khu di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là “Di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.

 

15- ĐÌNH - CHÙA HIẾN

Đình, chùa Hiến tọa lạc tại Phố Hiến hạ thuộc trung tâm Phố Hiến xưa, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Đây là một trong những di tích tiêu biểu thuộc quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên.   

Đình, chùa Hiến có tên chữ là Thiên Ứng tự, tên nôm là Hoa Dương hay Hoa Giang. Tuy nhiên, tên gọi phổ biến nhất vẫn là đình, chùa Hiến được định danh từ thế kỷ XV, khi vua Lê Thánh Tông đặt trị sở Hiến ty tại vùng đất này, mở đầu cho  thời kỳ hưng thịnh của Phố Hiến thế kỷ XVI - XVII.

Tương truyền, chùa Hiến được khởi dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần và được trùng tu, tôn tạo lớn vào thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái (1892). Chùa Hiến là nơi thờ Phật và Quan Âm Nam Hải nhằm khuyên răn con người sống hướng thiện, tu nhân tích đức cũng như thể hiện sự cầu mong cho các thuyền buôn đến nơi đây được thuận buồm xuôi gió.

Nghi môn Đình Hiến

Chùa Hiến có kiến trúc tổng thể theo kiểu “Nội Công ngoại Quốc” gồm các hạng mục: Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Tam bảo, hai dãy hành lang, nhà Tổ, nhà Mẫu. Tòa Tiền đường 5 gian 2 chái, các bộ vì được liên kết theo kiểu chồng rường đấu sen, chạm khắc bong kênh hổ phù, rồng cách điệu… Nối tiếp tòa Tiền đường là 03 gian Thiêu hương có kết cấu kiểu chồng diêm, các bộ vì tạo tác kiểu vì kèo trụ trốn. Tiếp đến là 03 gian Tam bảo có lối kiến trúc đơn giản. Đây là nơi thờ chính và đặt nhiều tượng thờ có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu phải kể đến tượng Quan Âm Nam Hải có niên đại khoảng 300 năm được tạo tác ở tư thế ngồi thiền với tám đôi tay kết ấn được bố trí hài hòa, đăng đối.

Mặt tiền Chùa Hiến

Lễ hội truyền thống Đình Hiến

Phía trước sân chùa Hiến là cây nhãn Tổ còn gọi là nhãn Tiến hay nhãn tiến Vua có tuổi gần 400 năm. Đây là một trong những sản vật quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Phố Hiến - Hưng Yên. Năm 1992, hội làm vườn Việt Nam đã công nhận kỷ lục Guinness ngôi chùa có cây nhãn Tổ quý hiếm và độc đáo ở Việt Nam.

Cây nhãn Tổ quý hiếm tại sân Chùa Hiến

Đình Hiến nằm liền kề với chùa Hiến là nơi thờ quan Thái giám họ Du - nội thị trung thành của Dương Quý Phi, vị Thánh mẫu được tôn thờ tại di tích đền Mẫu. Ông là người giàu lòng nhân nghĩa, có công lập nên làng Hoa Dương, truyền dạy nhân dân nơi đây nghề canh nông, thủ công, trồng dâu nuôi tằm… Ông cũng góp phần tập trung những người Hoa đến nơi đây buôn bán, để sau này Phố Hiến trở thành một thương cảng sầm uất ở Đàng Ngoài. Sau khi mất, ông được người dân nơi đây lập miếu phụng thờ.

Theo truyền ngôn, đình Hiến được khởi dựng từ khá sớm, quy mô ban đầu còn nhỏ, trải qua các triều đại phong kiến, ngôi đình nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, đình Hiến có kiến trúc tổng thể kiểu chữ Đinh (J) gồm 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung, liên kết các bộ theo kiểu chồng rường giá chiêng, các nét chạm khắc mỹ thuật tương đối đồng bộ, mang đậm phong cách thời Hậu Lê. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự biến thiên của thời gian đình, chùa Hiến như một minh chứng lịch sử về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Trung.

Hiện nay, đình - chùa Hiến còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng thờ, bát hương, câu đối, đại tự… với nội dung phong phú và có giá trị lịch sử, mỹ thuật cao. Đặc biệt là hai tấm bia đá tại sân chùa Hiến có niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) và Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709), nội dung ghi lại quá trình tụ cư, phát triển và tên gọi các phường, thị của thương cảng Phố Hiến xưa. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, một trong những cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá và khảng định sự phát triển của Phố Hiến xưa với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Hằng năm, từ ngày mồng 9 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch, nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội truyền thống đình, chùa Hiến với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của cư dân nơi đây. Vào dịp mồng 10 tháng Chạp là ngày giỗ của Đức Đại Vương quan Thái giám họ Du cũng thu hút đông đảo nhân dân, khách thập phương về xum họp, tri ân công lao của vị Thành Hoàng và tổ họ khai sáng lập làng.

Đình, chùa Hiến là một trong những cụm di tích thuộc quần thể di tích Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt năm 2014. Đây là cơ sở quan trọng thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái và tạo đà cho du lịch tâm linh của thành phố Hưng Yên ngày càng phát triển.


16- CHÙA NỄ CHÂU (THỤY ỨNG TỰ)

Chùa Nễ Châu có tên chữ là Thụy Ứng tự tọa lạc tại thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. Chùa là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, thờ Mẫu và thờ Tổ; nơi khuyên răn con người sống hướng thiện, tu nhân, tích đức để vươn tới một xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài ra, ngôi chùa còn gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vợ vua Lê Đại Hành.

 Tương truyền: Khi Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở vùng đất Nễ Châu để chống quân xâm lược nhà Tống, thấy bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nết na, xinh đẹp đã lấy làm vợ, phong bà làm Chính thất phu nhân, xây "Ngọc Dinh Thự" tại chợ Nễ và mời cha mẹ bà về ở cùng. Thời gian đó, việc nước chưa xong, Lê Hoàn còn phải xông pha chiến trận. Bà Ngọc Thanh đã ở lại Nễ Châu chu cấp lương thực, tiền bạc cứu đói nhân dân và giúp Lê Hoàn chiêu mộ binh sỹ.

Sau khi thống nhất đất nước, Lê Hoàn lên ngôi đã quay trở lại Nễ Châu đón bà về kinh. Nhưng bà xin ở lại quê hương để phụng dưỡng cha mẹ. Lê Hoàn rất cảm động đã cử Giới Quốc công về xây dựng chùa cho bà làm nơi tu hành và cử người con thứ 9 là Lê Long Kính (hiệu Trung Quốc đại vương) thay mình trấn giữ vùng này và cũng là để chăm nom bà. Sau khi bà mất, nhà vua thương tiếc đã cho lập đền thờ phía trước cửa chùa Nễ Châu và sắc phong bà làm “Ngọc Thanh Hoàng hậu”.

Tam quan Chùa Nễ Châu

Chùa Nễ Châu được khởi dựng từ thế kỷ X, quy mô ban đầu còn nhỏ. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo ngôi chùa hiện nay mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê đan xen Nguyễn với tổng thể kiến trúc kiểu "Nội Công ngoại Quốc", gồm các hạng mục như: Tam quan chồng diêm hai tầng tấm mái, 07 gian Tiền đường, 04 gian Thượng điện, 04 gian nhà Tổ và hai dãy hành lang, … Các công trình kiến trúc còn tương đối đồng bộ, vững chắc với nhiều mảng chạm khắc trang trí hoa văn có giá trị về mặt lịch sử văn hóa và mỹ thuật.

Phía trước chùa Nễ Châu là đền thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Ngôi đền được xây dựng ngay sau khi bà mất. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo hiện nay đền có quy mô kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 03 gian Tiền tế và 02 gian Hậu cung, các hạng mục mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Nguyễn.

Chùa Nễ Châu còn bảo lưu được chuông đồng, khánh đá, 03 bức ván gió, tượng Tuyết Sơn cùng bộ tượng Tam thế phật rất có giá trị, mang đậm tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê.

Hàng năm, chùa Nễ Châu thường tổ chức lễ hội vào các ngày 15 tháng Giêng, ngày 15 tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ ngày sinh, ngày mất của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh và ngày 10 tháng 9 kỷ niệm ngày mất của Trung Quốc Đại vương Lê Long Kính.

Chùa Nễ Châu được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992 và là một trong 16 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên năm 2014. 

 

Minh Ngân- Phương Thu (Đài Truyền thanh thành phố)

                                              Sưu tầm và tổng hợp

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4222478