Những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ở thành phố Hưng Yên luôn được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần nâng cao đời sống người có công và gia đình chính sách.
Đến thăm căn nhà mới của gia đình bà Đỗ Thị Vi, ở thôn Vân Phương, xã Liên Phương mới được hoàn thành vào đầu tháng 7, nét cười tươi trên khuôn mặt bà Vi làm cho mọi người ai cũng mừng cho bà. Bà Vi là vợ liệt sỹ, gia đình thuộc diện khó khăn trong xã, nhiều năm qua vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ bị xuống cấp nghiêm trọng, bản thân bà lại thường xuyên đau yếu. Dịp đầu năm nay, được thành phố hỗ trợ số tiền 30 triệu đồng từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng, gia đình bà Vi đã tiến hành xây căn nhà mới mái bằng khang trang và đã được khánh thành vào đầu tháng 7 vừa qua.
Gia đình bà Vi chỉ là 1 trong số hàng ngàn những gia đình chính sách trên địa bàn thành phố nhận được sự quan tâm, hỗ trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cấp Ủy đảng, chính quyền thành phố và cơ sở. Theo báo cáo của phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện toàn thành phố có 2.337 người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng, bao gồm những người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến, các thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, thân nhân người có công, người hưởng trợ cấp theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, thành phố luôn triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công phù hợp với điều kiện của địa phương. Hằng năm, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện về công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đánh giá mức sống của gia đình chính sách để có chính sách hỗ trợ kịp thời; sửa chữa nâng cấp các hạng mục nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm liệt sỹ; tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ, thăm hỏi động viên vào các dịp lễ, tết…
Bí thư Thành ủy Tạ Hồng Quảng thăn, tặng quà ông Phương Xuân Hòa, thương binh 21% tại khu
phố Nam Tiến, phường Hồng Châu nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019)
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Tuấn Cường thăm, tặng quà mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Xiêm
tại thôn Phù Sa, xã Hoàng Hanh nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019)
Đặc biệt trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố đặc biệt quan tâm và có sự phối hợp tốt của các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội. Chỉ tính riêng năm 2018, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn thành phố đã huy động đóng góp được hơn 189 triệu đồng. Từ số tiền đó, thành phố tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu trên địa bàn các phường, xã và hỗ trợ các đối tượng chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, thành phố còn vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các đơn vị đóng trên địa bàn thực hiện các hình thức phụng dưỡng, đỡ đầu các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân tổ chức các hoạt động hỗ trợ ủng hộ vật liệu, ngày công lao động để sửa chữa, làm mới nhà ở cho người có công.
Không chỉ quan tâm dưới hình thức hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà, mà thành phố Hưng Yên còn quan tâm thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; tổ chức điều dưỡng sức khỏe, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng… Nhờ sự quan tâm về mọi mặt nên đời sống chật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố được cải thiện và nâng lên rõ nét. Đây cũng chính là cách thiết thực nhất để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Hiếu nghĩa, bác ái” của dân tộc ta, đồng thời thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác thương binh, liệt sỹ.
Thùy Linh (Đài Truyền thanh thành phố)