Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển sản phẩm du lịch mang thương hiệu, bản sắc Phố Hiến là một trong những định hướng được tỉnh Hưng Yên chú trọng.
Lễ hội đền Mẫu, một trong những lễ hội đặc sắc của Phố Hiến, Hưng Yên
Dấu ấn thương cảng
Theo sử sách ghi lại, những điều kiện thuận lợi về địa hình dòng chảy của các con sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy đã giúp Phố Hiến trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của xứ Đàng ngoài vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Với vị trí trung chuyển và là cửa ngõ của mọi tuyến giao thương từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu vào đất liền tới kinh thành Thăng Long và các vùng sâu hơn của xứ Đàng trong, Phố Hiến thời bấy giờ đóng vai trò như một thương cảng quan trọng bậc nhất với cảnh trên bến dưới thuyền, các thuyền buôn nước ngoài với trọng tải lớn thường xuyên đậu kín sông Xích Đằng.
Ngoài bến cảng, nơi đây còn mang diện mạo của một đô thị kinh tế với tổ hợp bến cảng, chợ, khu phường phố và hai thương điếm (văn phòng đại diện kiêm nhà kho) của Anh và Hà Lan. Với việc buôn bán sầm uất, sôi động như vậy, Phố Hiến trở thành nơi sinh sống, lập nghiệp của cộng đồng người Hoa, Xiêm, Mã Lai và các nước phương Tây... Kèm theo đó là sự hình thành các công trình kiến trúc, tôn giáo, nhà ở mang phong cách của nhiều nền văn hóa khác nhau. Phố Hiến xưa còn được mệnh danh là “tiểu Tràng An” do cũng có sự hình thành các phố phường sầm uất như Thăng Long - Kẻ Chợ. Nếu như kinh thành Thăng Long có 36 phố phường thì Phố Hiến có hơn 20 phường thị và các cửa hiệu buôn bán nổi tiếng như: Tân Thị, Tiên Miếu, Hậu Trường...
Trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là khi sông Hồng bắt đầu bị xói lở ở đoạn chảy qua bến cảng đã khiến Phố Hiến ngày càng cách xa dòng sông, thuyền bè nước ngoài không thể ghé bến nên không còn cảnh bán buôn nhộn nhịp. Phố Hiến - thương cảng sầm uất ngày nào dần mất đi vị trí giao thương quan trọng rồi rơi vào quên lãng. Tuy thế, những dấu tích của các cộng đồng người nước ngoài từng sinh sống tại đây không hề mất đi. Rất nhiều di tích, di sản phi vật thể được hình thành từ thời hoàng kim của Phố Hiến còn tồn tại đến ngày nay. Nổi bật là những phố thị, đền đài, chùa miếu mang phong cách kiến trúc thuần Việt và Trung Hoa. Sự đa dạng văn hóa của các quốc gia đã tạo nên những dấu ấn riêng cho Phố Hiến. Bên cạnh các công trình có lối kiến trúc thuần Việt như chùa Chuông, đền Trần, đình An Vũ, đền Mây, đền Kim Đằng... còn có rất nhiều công trình có sự giao thoa giữa kiến trúc Trung Hoa, phương Tây với văn hóa Việt như: Đông Đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, Võ Miếu, nhà thờ Thiên chúa giáo...
Cùng với các công trình kiến trúc, di tích hiện diện đậm đặc trong đời sống hằng ngày, Phố Hiến còn là nơi hội tụ của các loại hình nghệ thuật như ca trù, chèo, hát trống quân cùng hàng trăm lễ hội dân gian. Ông Nguyến Tuấn Cường, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho rằng, hơn 100 lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm là nguồn lực để Hưng Yên phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính sự đa dạng, tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia đã tạo nên những nét văn hóa đặc trưng của Phố Hiến. Với những giá trị đó, năm 2014, Khu di tích Phố Hiến được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là tiền đề để thành phố Hưng Yên lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch, quảng bá cho mảnh đất và con người Hưng Yên hôm nay.
Phát triển thương hiệu Phố Hiến
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc..., năm 2010 Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến (Hưng Yên) đến năm 2020 gắn với phát triển du lịch. Ông Đoàn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết: Trên cơ sở khai thác tiềm năng vốn có, Hưng Yên đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, mang thương hiệu và bản sắc văn hóa của Phố Hiến - Hưng Yên.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển Khu di tích quốc gia Phố Hiến cùng 3 khu du lịch cấp tỉnh gồm: Đa Hòa - Dạ Trạch (Khoái Châu), La Tiến (Phù Cừ), Ecopark (Văn Giang) để thu hút nguồn khách đến từ Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc và khách quốc tế từ khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu... Hưng Yên phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón 1,5 - 2 triệu lượt khách, trong đó có 25 - 30 nghìn lượt khách quốc tế.
Nếu so sánh với các địa phương khác, du lịch Hưng Yên vẫn đang “ẩn mình”, chưa phát triển xứng với tiềm năng bởi những yếu tố khách quan và chủ quan. Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel cho rằng, với vị trí là “cửa ngõ” của Hà Nội, Hưng Yên vừa có lợi thế lại vừa bị hạn chế. Việc gần một trung tâm du lịch lớn như Hà Nội sẽ giúp du khách dễ dàng di chuyển đến Hưng Yên, nhưng chính điều này cùng với cơ sở hạ tầng du lịch chưa phát triển cũng khiến Hưng Yên khó thu hút khách lưu trú.
Vì thế, Hưng Yên nên tận dụng danh tiếng và những tiềm năng, lợi thế của thương hiệu Phố Hiến để xây dựng những sản phẩm mang tính đặc trưng nhằm thu hút sự chú ý của du khách. Cùng với đó là chú trọng xây dựng các tour khám phá, trải nghiệm văn hóa kết hợp với tham quan làng nghề, du lịch sinh thái, quảng bá các nông sản mang thương hiệu của địa phương như: Nhãn lồng Hưng Yên, bánh giầy làng Gàu, tương Bần... để từng bước thu hút du khách trong và ngoài nước.
Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch mang bản sắc, thương hiệu Phố Hiến, các cấp ngành chức năng của tỉnh Hưng Yên cũng cần thay đổi tư duy, cách làm để quảng bá hình ảnh ngày một sâu rộng đến các thị trường trong và ngoài nước. Có như thế du lịch Hưng Yên mới thực sự được “đánh thức” và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo “Báo Hà nội mới”